Vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển dần đi vào quỹ đạo góp phần làm cho nền kinh tế Bình Phước ngày một vươn lên, khiến tiềm năng và giá trị bất động sản (BĐS) trong khu vực có chiều hướng tăng mạnh mà phần lớn phải nhờ vào sự nâng cấp cơ sở hạ tầng. Cụ thể, việc quy hoạch cầu Mã Đà từ Bình Phước sang Đồng Nai sẽ là bước đệm mới.
Theo như quy hoạch của tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà bắc qua dòng sông Mã Đà – ranh giới phân định, tiếp giáp giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nối liền tỉnh lộ tỉnh lộ 753 của Bình Phước và tỉnh lộ 761 của Đồng Nai ra ngã ba Dầu Giây nối liền các tỉnh phía Đông Nam Bộ.
Bình Phước là tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cầu nối giữa khu vực miền Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia thông qua hệ thống quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ đã được đầu tư rất thuận tiện. Bình Phước cũng có điều kiện giao thông thuận lợi đến sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng nước sâu như cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải…
Hiện nay, Bình Phước có 13 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 4.686 ha, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp Campuchia với diện tích quy hoạch 28.364 ha, trong đó 3.580 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động, có tuyến du lịch quốc tế qua cửa khẩu Hoa Lư: Bình Phước (Việt Nam) – Kratie, Stungtreng (Campuchia) – Champasak (Lào) – Upon Thani (Thái Lan) và hàng loạt các dự án khu du lịch, hạ tầng giao thông đang được xây dựng trong toàn tỉnh.
Có thể nói, cầu Mã Đà là một trong những dự án quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế và giao thương của Bình Phước đi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. HCM và Đồng Nai.
Trước hết, với vị trí chiến lược, cầu Mã Đà khi được xây dựng sẽ giúp Bình Phước rút ngắn khoảng cách tới quốc lộ 1, Sân bay Long Thành và các cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Với vai trò này, có thể dùng hình ảnh so sánh cầu Mã Đà là “kênh đào Panama” của Bình Phước, một lối đi tắt mang lại nhiều thuận tiện, cơ hội phát triển không chỉ riêng cho Bình Phước mà cả khu vực. Đây là tuyến đường gần nhất để Bình Phước tiếp cận quốc lộ 20, quốc lộ 1A, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội. Cầu Mã Đà được xây dựng sẽ, khoảng cách đi lại từ Đồng Xoài đến ngã ba Dầu Giây theo tuyến này sẽ rút ngắn hơn 50km, vừa kinh tế vừa thuận tiện, an toàn hơn rất nhiều so với hiện nay. Trong khi lộ trình hiện tại bắt buộc phải đi vòng qua tỉnh Bình Dương (đi từ ĐT741 – ĐT746 (hoặc ĐT747) Tân Uyên – quốc lộ 1 Dầu Giây), đường nhỏ, quanh co.
Nhìn xa hơn, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ Cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) theo quốc lộ 50, tỉnh lộ 767, 761, 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan có thể được xem là “con đường tơ lụa” trên cạn, trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, phục vụ việc hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Khi đó, tỉnh Bình Phước sẽ thuận lợi hơn trong xuất – nhập khẩu hàng hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước đã hoàn tất giai đoạn đầu của dự án với việc xây dựng hệ thống đường kết nối với quy mô 29km đường, bắt đầu từ ngã ba Cây Điệp (thị xã Đồng Xoài) đến sông Mã Đà (ĐT753) với tổng mức đầu tư ngân sách gần 174 tỷ đồng. Hạng mục xây dựng cầu Mã Đà được quy hoạch rộng lên đến 11m, dài hơn 90m bằng bê tông cốt thép kiên cố, kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Chính vì vị trí đắc địa trong việc kết nối giao thông đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một cách nhanh chóng và thuận tiện cũng như những tiềm năng phát triển của kinh tế tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước đã đặt dự án xây dựng cầu Mã Đà là một trong những dự án chiến lược trong việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh.
Link: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/tiem-nang-kinh-te-binh-phuoc-tang-vot-mot-khi-quy-hoach-cau-ma-da-duoc-van-hanh-51610?fbclid=IwAR09FuzqiOXUTFUbtgt2bfdIOgb1bHDKzfrxu2uQj2P1pZofnoXaLaeQ4ws&AspxAutoDetectCookieSupport=1