Sóng ngược trên thị trường bất động sản phía Nam

16 Th10 1919
0
(0)

Giới có tiền ở đô thị rủ nhau về các vùng xa xôi săn đất, còn những người nông dân lâu nay chỉ biết đến rẫy, vườn bỗng chốc trở thành tỷ phú và mua nhà thành phố đang tạo nên những làn sóng ngược trên

Sốt đất khắp nơi

Nói đến thị trường bất động sản phía Nam, trước đây mọi người chỉ nghĩ đến TP. HCM và một số thị trường vùng ven, nhưng hiện nay, cơn sốt đất đã lan tỏa trên diện rộng ở những khu vực trước nay chưa từng được nhắc đến trên thị trường địa ốc như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Long Khánh (Đồng Nai), Bình Phước… Ở những nơi này, câu chuyện nhà nhà tìm đất, người người săn đất đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là gần các khu vực được quy hoạch sân bay, hay vừa lên thành phố.

Từ giữa năm 2019 đến nay, kể từ sau cột mốc thị xã Long Khánh (Đồng Nai) chính thức lên hạng thành phố, mặc dù về cơ bản, hạ tầng đường sá, hay các vấn đề khác vẫn không có gì thay đổi, nhưng thị trường bất động sản Long Khánh lại chứng kiến cơn sốt đất một cách lạ thường. Theo ghi nhận, giá đất tại nhiều khu vực ở Long Khánh tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu năm nay.

Anh Tuấn, một người dân ở xã Bảo Dinh cho biết, anh có một mẫu đất rẫy (10.000 m2), cuối năm 2018, có người đặt vấn đề mua 3,2 tỷ đồng nhưng anh không bán, song mới đây khi nghe thông tin anh có ý định bán đất, rất nhiều người tìm đến hỏi mua và cuối cùng anh đã chốt bán cho một khách hàng ở TP. HCM với mức giá 10 tỷ đồng.

“Sau khi bán đất, tôi đã mua một căn nhà ở quận Thủ Đức (TP. HCM) cho con ở học, số tiền còn lại gửi ngân hàng lấy lãi”, anh Tuấn chia sẻ và cho biết, không chỉ riêng anh, mà nhiều người khác ở Long Khánh lâu nay chỉ biết có làm rẫy, làm vườn bỗng chốc đã trở thành những tỷ phú nhờ bán đất.

Không chỉ ở TP. Long Khánh, tại những khu vực nông thôn thuộc các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai), những vùng quê vốn yên bình với nghề làm rẫy, nay cũng không còn yên tĩnh khi dòng người ở nhiều nơi đến đặt vấn đề mua đất ngày một nhiều.

Anh Tính, một người dân ở xã Ông Quế (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, gia đình anh có 1,2 ha đang trồng cà phê, do kẹt tiền, cuối năm 2017, anh tính bán 5 sào (1 sào Nam Bộ tương ứng 1.000 m2), giá định bán lúc đó là 250 triệu đồng/sào, nhưng không bán được. Tuy nhiên, mới đây nhiều người vào đặt vấn đề mua đất, anh hét giá lên 700 triệu đồng/sào và đã có người chấp nhận mua 5 sào không cần mặc cả.

“Không hiểu có chuyện gì mà giá đất ở đây tự nhiên tăng mạnh, nhưng thấy giá cao, hơn nữa lâu nay khá ngán ngẩm với cảnh quanh năm làm rẫy, tôi đã quyết định bán 5 sào rẫy để mua nhà ở TP. HCM cho con ở ăn học”, anh Tính nói và cho biết, không chỉ anh, mà nhiều người khác trong khu vực này vừa qua cũng bán đất rẫy với giá rất cao.

Sức nóng của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở Đồng Nai, mà còn lan sang các khu vực cách xa TP. HCM như Bình Phước hay Lâm Đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Phước, đặc biệt là tại TP. Đồng Xoài (mới lên thành phố từ tháng 12/2018) cũng chứng kiến cơn sốt đất lạ thường. Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, Becamex IDC, FLC, HUD Nha Trang, Đại Nam, Cát Tường… đã biến Bình Phước từ một tỉnh miền núi thành một tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với nhiều dự án bất động sản mọc lên.

Ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Địa ốc Cát Tường cho rằng, sở dĩ Bình Phước gần đây sốt đất là do địa phương này không chỉ sở hữu quỹ đất rộng, mà còn có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

“Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Phước sẽ có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư rộng 28.364 ha. Vì thế, mỗi năm Bình Phước cần ít nhất từ 30.000 – 40.000 lao động đáp ứng nhu cầu việc làm hiện tại. Điều này kéo theo sự dịch chuyển của các chuyên gia, lao động đến sinh sống và làm việc tại Bình Phước ngày càng gia tăng, đó là động lực quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản”, ông Vũ phân tích.

Ngoài các dự án được đầu tư đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Bình Phước, thị trường này đang có sự ăn theo, đặc biệt là đất rẫy được săn ráo riết, khiến giá đất nông nghiệp ở Bình Phước cũng được đẩy lên khá mạnh.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại nhiều khu vực đã có mức giá tăng lên hơn gấp đôi, hàng loạt rẫy vườn ở Bình Phước bỗng chốc trở thành những khu đất phân lô bán nền.

Ngoài Bình Phước, khu vực thị xã Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng gần đây cũng trở thành điểm nóng về phân lô đất rẫy. Nhiều khu rẫy ở Bảo Lộc được giới đầu tư địa ốc TP. HCM mua gom sau đó phân thành lô 1.000 m2 bán với giá 300 – 400 triệu đồng/lô.

Cẩn trọng với cơn sốt “ảo”

Có thể nói, chưa lúc nào cơn sốt đất vùng ven diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng như thời gian qua. Câu hỏi được đặt ra là vì sao giá đất tăng nhanh đến vậy và cơn sốt này xuất phát từ nhu cầu thật hay sốt ảo?

Lý giải nguyên nhân cơn sốt này, theo phân tích của hầu hết các chuyên gia, có cả yếu tố thật và yếu tố ảo. Về yếu tố thật, đầu tiên phải kể đến sự phát triển mạnh của hạ tầng. Theo đó, thời gian qua, sự bứt phát của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng đã tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường bất động sản vùng ven.

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA, có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến việc tạo sóng của thị trường đất nền vùng ven. Đầu tiên là quan niệm “đất là vĩnh viễn” vẫn còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý người Việt Nam. Hơn nữa, đầu tư đất nền thường có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các phân khúc khác, nên thu hút nhiều nhà đầu tư.

Ngoài ra, thị trường đất nền TP. HCM đang khan hiếm nguồn cung và giá đã được đẩy lên mức cao, trong khi các tỉnh giáp ranh với điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển mạnh của hạ tầng giao thông, giá đất nền phân lô hiện còn thấp, đa dạng về giá trị đầu tư, tiềm năng tăng trưởng cao. Điều đó tạo động lực để khách mua tìm kiếm đầu tư vào thị trường.

Cuối cùng, các thông tin quy hoạch vùng, sự phát triển hạ tầng giao thông từ TP. HCM tới các tỉnh vùng ven cũng là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường này thêm khởi sắc. Đến thời điểm hiện nay, sự phát triển của hạ tầng liên vùng đã được triển khai mạnh mẽ.

Ngoài tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đang khẩn trương được xây dựng chuẩn bị đưa vào sử dụng để kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án Sân bay quốc tế Long Thành được khởi động và hàng loạt dự án hạ tầng khác đều mang lại giá trị thực cho bất động sản vùng ven.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh những khu vực xuất phát từ nhu cầu thật, cơn sốt đất nền vùng ven gần đây đã bộc lộ rõ dấu hiệu sốt ảo mà nguyên nhân do có bàn tay của các nhà đầu cơ.

“Lợi dụng nhu cầu cầu đầu tư bất động sản của người dân ngày càng cao, trên thị trường hiện nay có những đội nhóm chuyên đi săn đất vùng ven, sau đó tung tin về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt ảo, sau đó thoát hàng. Nếu các nhà đầu tư không cẩn trọng sẽ có nguy cơ ôm quả đắng đầu tư bất động sản”, một chuyên gia trong ngành đưa ra cảnh báo.

Theo Nhà đầu tư

Đánh giá của bạn?

Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá bài viết này!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượt bình chọn: 0

Chưa có bình chọn nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích...

Theo dõi Đất Xanh Miền Đông trên mạng xã hội!

Chúng tôi rất tiếc vì bài đăng này không hữu ích cho bạn!

Hãy để chúng tôi cải thiện bài đăng này!

Hãy cho chúng tôi biết cách chúng tôi có thể cải thiện bài đăng này?