Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, huyện Nhà Bè trong những năm tới sẽ không còn ai làm nông nghiệp. Bí thư TPHCM cho rằng đây là bài toán đặt ra với quy hoạch của thành phố. “Nếu lên quận thì huyện Nhà Bè là số 1”, ông Nhân nói.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thực trạng hiện nay, huyện Củ Chi có diện tích 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32%), dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp.
Huyện Hóc Môn diện tích đất gần 11.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.200 ha (chiếm 21%), dự báo đến năm 2030 còn hơn 600 hộ dân làm nông nghiệp. Tương tự, huyện Bình Chánh có diện tích đất 25.000 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 7.900 ha (chiếm 31%), dự báo đến năm 2025 còn 0,4% hộ dân làm nông nghiệp.
Huyện Nhà Bè có diện tích hơn 10.000 ha, trong đó đất nông nghiệp còn 350 ha (chiếm 3%), đến năm 2025 chỉ có 109 hộ làm nông nghiệp (chiếm tỉ lệ 0,1%). Còn huyện Cần Giờ có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 60% diện tích toàn huyện nên giữ lại.
“Như vậy lúc đó sao gọi là huyện được? Vì huyện là nông thôn, nông thôn thì phải có nông nghiệp. Nếu có huyện nào cần lên quận chắc là huyện Nhà Bè lên đầu tiên vì hầu như không còn người làm nông nghiệp”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Cho dù việc từ huyện lên thành quận vẫn còn đang được chính quyền địa phương tính toán, nhưng thị trường bất động sản Bình Chánh và Nhà Bè, nhất là khu vực giáp ranh quận 7 đã bùng nổ mạnh mẽ suốt mấy năm qua. Các dự án nhà ở mới, các công trình thương mại dịch vụ mọc lên san sát, hút theo một lượng lớn dân cư đổ về mua nhà và sinh sống. “Chiếc áo” xã, huyện đã tỏ ra chật chội, không còn phù hợp với một khu vực có tốc độ đô thị hoá vũ bão như Bình Chánh và Nhà Bè.
Vẫn còn khoảng trống mà Bình Chánh, Nhà Bè cần phải khoả lấp để thoả mãn tiêu chí trở thành quận, trong đó có việc phát triển các khu đô thị và hệ thống cơ sở hạ tầng để thu hút dân về sinh sống, thay đổi diện mạo đô thị.
Hiện tại, Nhà Bè đã có kế hoạch nâng cấp và mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương. Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm kết nối Nam Sài Gòn với trung tâm Thành phố đang được khởi động như cầu Thủ Thiêm 4 nối đường Nguyễn Văn Linh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; tuyến Metro số 4 kết nối quận 7 và Nhà Bè với trung tâm Thành phố; hệ thống hầm chui và cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.
Những sự thay đổi này đang kích hoạt hàng loạt các dự án bất động sản cùng chuyển động, trong đó trục đường Nguyễn Hữu Thọ kéo thẳng đến cảng Hiệp Phước sẽ là một trong những khu vực phát triển đô thị năng động nhất khu Nam Sài Gòn.
Gần đây, UBND TPHCM và tỉnh Long An đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một con đường mới song hành với QL50 bổ sung vào quy hoạch GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 và theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TPHCM, dài khoảng 800m), điểm cuối sẽ kết nối với QL50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Mới đây, Sở GTVT TPHCM vừa ký văn bản báo cáo UBND TPHCM về việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khu Nam kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM.
Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc – Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…
Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển các khu đô thị vệ tinh của thành phố, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đô thị về hướng Nam trong tương lai.
Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức – Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh – Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh – quốc lộ 50.
Song song đó, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc – Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3;
Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).
Qua đó cho thấy TPHCM đang huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện nhanh chóng mục tiêu kéo giãn dân, phát triển các khu đô thị vệ tinh thuộc vùng đô thị mở rộng TPHCM về hướng Long An, trong đó phần lớn huyện Nhà Bè được thụ hưởng lớn nhất.
Từ những quyết sách đầu tư mạnh mẽ này, bức tranh phát triển bất động sản của vùng TPHCM về phía Nam đã phát triển khá nhanh và bài bản. Từ đó, thị trường bất động sản Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” nhất là tại các khu vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc…
Theo nhận định từ một số công ty nghiên cứu thị trường BĐS mới đây, thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn TPHCM đã được kỳ vọng sẽ đón nhận những nguồn cung lớn từ các chủ đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước vào thời điểm cuối quý 3/2019, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, các dự án đều bị trì hoãn lịch chào bán đến cuối năm 2019. Điều này tiếp tục khiến cho thị trường TPHCM trở nên kém hấp dẫn hơn khi nguồn cung mới “nhỏ giọt” và giá chào bán bị đẩy lên cao do bất động sản trải qua nhiều lần đổi chủ.
Ngược lại ở thị trường các tỉnh thành lân cận TPHCM như Long An hay Đồng Nai, quý vừa qua đã cho thấy sự sôi động rõ ràng hơn với các dự án khu đô thị lớn được giới thiệu. Đơn cử ở thị trường khu vực các huyện tiếp giáp TP.HCM của tỉnh Long An, nguồn cung mới chào bán trong 3 tháng cuối năm đã tăng cao gần 30% so với toàn TPHCM.
Các dự án nhà liền thổ xây sẵn ở tỉnh này tập trung vào các yếu tố môi trường sống sạch và cảnh quan xanh mát cùng với giá bán và chính sách thanh toán hấp dẫn, các dự án khu đô thị được giới thiệu trong mối liên kết chặt chẽ với TPHCM về hạ tầng đang thu hút được nhiều sự chú ý từ người mua.
Theo một số người dân tại xã Tân Kim, sau khi UBND huyện chấn chỉnh, siết chặt quản lý trong xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì những khu vực đất đã chuyển mục đích sử dụng (đất thổ) tăng giá chóng mặt. Trước đây, trung bình đất tại xã Tân Kim có giá khoảng 8-10 triệu đồng/m2 đất thổ thì nay tăng lên từ 15-20 triệu đồng/m2.
Tại huyện Cần Đước, chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt dự án BĐS nhỏ với diện tích từ 1-2ha do cá nhân đầu tư liên tục được hình thành như dự án Khu dân cư nông thôn ấp Đồng Tâm, Khu đô thị thương mại Hoàng Phúc Residence xã Long Trạch,…
Còn tại Cần Giuộc, các dự án có pháp lý hoàn chỉnh được ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao ấn tượng cùng mức tăng trưởng ổn định từ 30 – 35%/năm tuỳ khu vực. Trong đó, Long Hậu và Phước Vĩnh Đông ghi nhận biên độ tăng giá cao nhất. Các dự án chào bán năm 2017 với giá khởi điểm 10 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 18 – 25 triệu/m2. Đặc biệt, những dự án ven sông Soài Rạp tính từ lúc giới thiệu sản phẩm đợt đầu tiên trong năm 2016 – 2017 đến nay giá thứ cấp đã tăng gấp ba.
Cuối năm 2019, thị trường vừa đón nhận thêm dự án Hiep Phuoc Harbour View ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo nối dài và sở hữu 2km sông Soài Rạp. Ngay khi vừa ra mắt, các sản phẩm đất nền nhà phố ven sông của dự án đã nhanh chóng gây sốt với mức giá chỉ từ 1,29 tỷ đồng/nền sổ đỏ sở hữu lâu dài, thời gian thanh toán kéo dài 24 tháng, đợt đầu chỉ 15%. Đặc biệt, với vị trí thuận tiện di chuyển, kế cận KĐT – cảng Hiệp Phước và 20 phút đến Phú Mỹ Hưng, dự án được xem là giải pháp tích lũy BĐS an toàn và hiệu quả cuối năm 2019.
Như vậy, giá tại khu vực các huyện ở trong tỉnh Long An, tăng lên rất nhiều so với 2 năm trước đây. Với đánh giá sơ bộ, biên độ tăng giá đất nền tại các dự án ở Long An đều tăng ít nhất từ 15% – 30% , những điểm nóng có khi tăng đến hơn 60% – 80% sau một năm.
Một doanh nghiệp BĐS lớn tại TPHCM cho biết, cuối năm 2019 sẽ là thời điểm vô cùng thích hợp để bất động sản tạo một cú hích bùng nổ, làm thay đổi cục diện thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam. Dự kiến giá đất sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 15 – 18% trong 1-2 tháng cận tết Âm lịch. Đây là thời điểm mà dòng tiền dư của người dân nhiều nhất và bất động sản trở thành mục tiêu đầu tư sinh lợi tốt thay vì gửi tiền ngân hàng hay đầu tư tài chính.
Thời gian qua, ngoài những doanh nghiệp địa phương như Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa, Đồng Tâm Long An…, Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi như Thaco, Vingroup, T&T Group, Danh Khôi, Him Lam, Sea Holdings…
Thị trường này còn phải kể đến các công ty như: Vingroup đang đầu tư Dự án Vincom Shophouse Tân An; Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) đã công bố Dự án Long Hậu Riverside, với quy mô diện tích hơn 20 ha; Công ty Sea Holdings hiện cũng đang phát triển một dự án với diện tích 3 ha; Tập đoàn Becamex đang xúc tiến thành lập một khu phức hợp đô thị – công nghiệp – dịch vụ có quy mô khoảng 3.045 ha tọa lạc tại huyện Bến Lức…
Theo nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại Long An, dịp cuối năm 2019 thị trường sẽ đón nhận nhiều dự án sẽ được tung ra để đón dòng tiền, nhất là các khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở trước tết. Cụ thể, các doanh nghiệp như Nam Long, Cát Tường, Trần Anh, Hiển Vinh, Nam Phong… đều cho biết sẽ bung hàng trong giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, với xu hướng khai thông khu Nam Sài Gòn, phá thế cô lập của Nhà Bè, bất động sản một số vùng giáp ranh với TPHCM như Cần Giuộc, Đức Hoà sẽ giữ nhịp tăng trưởng cao, là khu vực trọng điểm dẫn dắt thị trường Long An.
Link: http://cafef.vn/thong-tin-mot-so-huyen-cua-tphcm-co-kha-nang-len-quan-som-nha-dat-vung-giap-ranh-lai-thap-thom-20191203213204906.chn